Bộ Xây dựng nói gì về siêu dự án 6 tỷ USD của Vạn Thịnh Phát?

Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành.

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp thực hiện rà soát các kết quả triển khai, các thủ tục đầu tư liên quan của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị (Dự án), trên cơ sở đó Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản giải trình về quy trình, thủ tục, chủ trương đầu tư Dự án, theo thông tin từ Báo Xây dựng.

Cụ thể, về các thủ tục đầu tư liên quan của Dự án: Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Dự án đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Cty CP Đại Trường Sơn (nay là Cty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) tại Văn bản số 8156/UBND-ĐTMT ngày 28/11/2007, gia hạn tại Văn bản số 1751/UBND-ĐTMT ngày 22/4/2009 và chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện Dự án tại Văn bản số 4980/UBND-ĐTMT ngày 24/8/2015. 

Qua rà soát các căn cứ pháp lý điều chỉnh Dự án thời điểm từ năm 2007 đến trước ngày 01/7/2015 và thời điểm từ ngày 01/7/2015 đến nay có một số vấn đề đáng chú ý:

Theo quy định của pháp luật về đầu tư (từ năm 2007 đến trước ngày 01/7/2015): Dự án không thuộc đối tượng chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2005).

NativeAd from Google

Theo quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị: Thời điểm từ năm 2007 đến trước 01/3/2013, Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu đô thị mới, thuộc thẩm quyền cho phép thực hiện dự án của UBND TP Hồ Chí Minh (khoản 2 Điều 15 Quy chế Khu đô thị mới); thời điểm từ 01/3/2013 đến nay, Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1 Điều 21).

Theo pháp luật về đầu tư: Thời điểm từ 01/7/2015 đến nay, Dự án có quy mô vốn đầu tư lớn hơn 5.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Khoản 2, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014).

Thời điểm từ sau ngày 27/12/2015 đến nay, trường hợp Dự án thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà phải thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Về quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư: Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, việc UBND TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án (trong trường hợp Dự án thực hiện triển khai trước ngày 01/7/2015) chưa đúng với quy định của Luật Đầu tư năm 2005.

Về việc này, UBND TP Hồ Chí Minh đã giải trình thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Về căn cứ xem xét hồ sơ chấp thuận đầu tư Dự án: Hồ sơ Dự án đã được UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 2207/UBND-ĐT ngày 18/4/2017. Việc xem xét Dự án được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Sau khi nhận Hồ sơ Dự án, Bộ Xây dựng đã chủ trì thẩm định, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và đã nhận đầy đủ văn bản góp ý của các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải. UBND TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện hồ sơ Dự án theo ý kiến của các Bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 67/TTr-BXD ngày 22/12/2017 của Bộ Xây dựng).

Bộ Xây dựng nói gì về siêu dự án 6 tỷ USD của Vạn Thịnh Phát? - Ảnh 1.

Vị trí dự án nằm ở khu Mũi Đèn Đỏ (nhìn ra ngã 3 sông Sài Gòn và sông Đồng Nai)

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành về việc chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án, căn cứ kết quả rà soát việc triển khai Dự án và các thủ tục liên quan của Dự án, Bộ Xây dựng thấy rằng Dự án đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007, tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, rà soát tiến độ triển khai Dự án, không kịp thời có phương án xử lý theo quy định của pháp luật dẫn đến các thủ tục, quá trình đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần.

Để đảm bảo Dự án thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị tại thời điểm này, Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh theo thẩm quyền hoàn thiện các văn bản về việc quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành.

UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm rà soát việc triển khai Dự án theo quy định của pháp luật, trường hợp có vi phạm, xem xét, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Bộ Xây dựng nói gì về siêu dự án 6 tỷ USD của Vạn Thịnh Phát? - Ảnh 2.

Khu vực xây dựng siêu dự án dự án Saigon Peninsula.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị còn được biết đến với tên gọi siêu dự án Saigon Peninsula tọa lạc tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM, có phía đông và nam giáp sông Nhà Bè, phía tây giáp đường Đào Trí hiện hữu, phía bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm.

Dự án gồm 2 khu chức năng chính khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu nhà ở đô thị 35ha. Chủ đầu tư của dự án Saigon Peninsula là Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula. Đây là Liên doanh gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để đầu tư phát triển dự án.

Trong đó, Pavilion Group giữ vai trò chủ đạo trong quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng công trình. Điểm nhấn gồm trung tâm thương mại bán lẻ chất lượng cao kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng cùng các cao ốc văn phòng hạng A.

Còn Genting Group tham gia xây dựng Cảng tàu khách quốc tế của dự án tại vị trí cảng thương mại đang hoạt động trong khu đất. Sau khi hoàn thành, cảng tàu khách quốc tế 200.000 GRT (dung tải đăng ký) này sẽ là cảng tàu khách lớn nhất Việt Nam.

Tháng 8/2016, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chính thức công bố và khởi công dự án Saigon Peninsula. Tuy nhiên, sau thời gian khởi công rầm rộ trong năm 2016, tiến độ dự án Saigon Peninsula bắt đầu chững lại vào giai đoạn 2017-2018.\

theo: cafef.vn