Cố đô Huế sẵn sàng cho đợt di dân lịch sử

Phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng.

Theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thì đây là đợt di dời dân cư lịch sử, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Theo đó, phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; tiếp đến là tại các di tích còn lại gồm: Hồ Tĩnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành TP Huế và di tích Trấn Bình Đài.

Ngoài ra, còn cần khoảng 1.362 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới với quy mô 73ha tại phường Hương Sơ, TP Huế để phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư đến nơi ở mới như điện, đường, các thiết bị y tế, văn hóa, giáo dục....

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khá lớn cũng phải được huy động cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo tổn di tích...

NativeAd from Google

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi được bố trí kinh phí di dời dân cư, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ và kịp thời để sớm di dời, ổn định đời sống dân cư, an sinh xã hội và thực hiện tôn tạo, trùng tu di tích cố đô Huế.

“Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm nhằm trả lại nguyên trạng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế”, Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nói về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 di tích Kinh thành Huế tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức vào chiều 8-10.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (bìa phải) khảo sát và nói chuyện với người dân sống tại khu vực 1 Kinh thành Huế.

Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805 -1833). Đây là Quần thể di tích có giá trị lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia và là một trong những kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện,.. cần được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa.

Nhiều năm qua là Di tích Kinh thành Huế ngoài việc bị xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, còn bị tác động, làm hư hại bởi yếu tố con người do chiến tranh và quá trình hình thành các khu vực dân cư sống trên thượng thành, trong khu vực di tích.

Đặc biệt, trong khu vực I di tích Kinh thành Huế hiện có rất đông người dân sinh sống do di dân từ vùng nông thôn vào thành thị, di dân do chiến tranh trong giai đoạn 1945 -1975 và gia tăng dân số tự nhiên. Điều này khiến cho di tích đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Những ngôi nhà tại khu vực 1 Kinh thành Huế hiện tại.

Để trả lại mặt bằng cho di tích, trong những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng, nguyên trạng di tích.

Cụ thể, giai đoạn 1996 – 2018 đã có 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích như hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành,.. được di dời. Song con số này là không mấy khả quan khi sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư và hiện nay trong khu vực 1 cửa các di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc các hộ dân sống trên di tích như hiện nay đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó đáng kể đến là việc gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và Khu di sản Huế nói riêng; ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản. Ngoài ra, việc sống tạm bợ của người dân đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, phát sinh nhiều tệ nạn. Chưa kể, việc có quá nhiều hộ dân sống trên di tích là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích.

“Để tiếp tục thực hiện công tác phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản di tích cố đô Huế cũng như thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 26/TB-VPCP ngày 17-1-2018 về đề xuất cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và thực trạng đời sống dân cư để đề xuất cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để di dời dân cư trình các Bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ. Qua khảo sát, tỉnh đã nhìn nhận ra được nhiều vấn đề. Trong đó, phần lớn cộng đồng cư dân đều ủng hộ chủ trương của tỉnh và mong muốn đến ở một nơi tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích lại không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ nên theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác cũng không ít hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, nếu được cấp đất cũng khó xây được nhà. Do đó cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm nhằm trả lại nguyên trạng di tích”, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết.



Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2355839#ixzz5TW7S4ySH 
http://www.xaluan.com/raovat