Đánh đồng thuế nhà trên 700 triệu, dân lo vừa trả nợ vừa nộp ngân sách
Nhiều độc giả không đồng tình với đề xuất đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng của Bộ Tài chính bởi điều này không hợp lý, họ phải chịu cảnh thuế chồng thuế.
Vừa qua, Bộ Tài chính kiến nghị ban hành Luật Thuế tài sản với đề xuất áp dụng đánh thuế ở mức 0,4% cho nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Với phương án này, số thu thuế tài sản mà nhà nước dự kiến mang về là khoảng 31.000 tỷ đồng.
Trong loạt bài về vấn đề này, Zing.vn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả. Trong đó, phần đông cho rằng, việc đánh thuế này là chưa phù hợp với tình hình thực tế đời sống và họ phải chịu cảnh thuế chồng thuế nếu áp dụng. Gần 60% độc giả tham gia khảo sát đề nghị không áp dụng thuế tài sản vào thời điểm này trong khi số khác ủng hộ chỉ áp thuế với nhà thứ 2 trở đi.
Vừa trả nợ ngân hàng, vừa đóng thuế?
Nhiều người cho rằng, đề xuất đánh thuế với mọi nhà ở của Bộ Tài chính khác với đề xuất trước đây là áp thuế từ nhà ở thứ hai trở lên. Việc thay đổi làm tác động trực tiếp đến cuộc sống và bài toán kinh tế của người dân, nhất là những ai “tích cóp” cả đời mới mua được nhà trên 700 triệu.
NativeAd from Google
|
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Theo anh Duy Hưng, quyết định có ảnh hưởng lớn đến những người có thu nhập thấp và trung bình như công nhân nghèo, cán bộ công nhân viên, giáo viên, quân nhân.
“Thực tế, vẫn còn nhiều người thiếu nhà, phải ở tập thể. Họ phải tiết kiệm, chắt chiu lắm mới mua được một căn nhà, hay một căn hộ. Đó là cả gia tài của họ, giờ phải gánh thêm tiền thuế mỗi năm thì thật khổ”, anh nói.
Tương tự, nhiều người cũng băn khoăn khi nhà đang ở có giá từ 700 triệu trở nhưng vẫn còn nợ ngân hàng hay trả góp hàng tháng.
Độc giả B.L.T. chia sẻ: “Điều này thật bất hợp lý. Tôi vay ngân hàng để làm nhà, rồi hai vợ chồng trả dần đến giờ vẫn chưa xong. Nghĩ lại thấy mình làm cả đời mới có được cái nhà để ở mà tự nhiên phải đóng thuế vô lý”.
Anh C. cho hay, năm rồi, anh mua căn nhà hơn 800 triệu đồng trong đó vay ngân hàng hết 400 triệu đồng, trả lãi chưa hết vất vả thì nghe tin này nên không biết nói sao luôn!
Nhiều độc giả cho rằng, giá trị tối thiểu 700 triệu để đánh thuế là không hợp lý. Bởi đây dường như là giá trị phổ biến tối thiểu của nhà ở tại các quận trung tâm TP.HCM. “Nhà tiền tỷ ở Sài Gòn không hiếm. Nếu áp dụng đánh thuế chắc sẽ trở thành thuế chung cho toàn thành phố rồi”, anh nói.
Mua, xây hay ở cũng đều nộp thuế?
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhiều độc giả thấy rằng họ sẽ phải cùng lúc chịu nhiều thứ thuế nếu áp dụng đề xuất này của Bộ Tài chính.
Anh P.N. cho rằng việc tiếp tục đặt ra thứ thuế ở thời điểm này là không hợp lý. “Từ đầu năm nay, hàng hóa tiêu dùng đã bị đánh thuế lên rất nhiều. Chúng tôi đã vất vả trong chi tiêu hàng ngày vì giá cả leo thang giờ lại thêm thuế chính nơi ở của mình thì chẳng khác nào thuế chồng thuế mà dân thì khổ chồng khổ”, anh chia sẻ.
Tương tự, nhiều người cũng cho biết, để có được tài sản trên 700 triệu đồng, họ phải chịu nhiều thứ thuế khác nhau. Đặc biệt, nếu thuế nhà được áp dụng, họ phải vừa trả thuế đất, vừa trả thuế cho nơi mình ở.
Độc giả K.K. tỏ vẻ không đồng tình: “Thuế nhà đất hiện đã có thì không lý gì người dân phải nộp thêm thuế nhà ở. Nếu như vậy, chẳng khác gì tôi mua nhà đã chịu thuế, xây nhà cũng nộp thuế, giờ ở nhà của mình cũng không né khỏi thuế”.
Trong khi đó, nhiều người có nhà ở trị giá hàng tỷ đồng cũng lo lắng không kém bởi không biết tìm tiền đâu đóng thuế hàng năm. Độc giả T.N. cho hay, ba mẹ chị đã về hưu, sống ở trung tâm TP.HCM. Theo thời gian, giá trị ngôi nhà đã nâng lên hàng tỷ.
“Thuế nhà đất hàng tháng cũng kha khá, nay nếu áp dụng 0,4% cho nhà trên 700 triệu đồng, tính ra ba mẹ tôi phải nộp ít nhất cũng dưới chục triệu mỗi năm. Số tiền này gần bằng lương hưu của họ thì không biết sao mà sống”, chị nói.
Nên khoanh vùng đối tượng
Nhiều người cho rằng, việc giải thích đánh thuế lên nhà ở nhằm kiểm soát thu nhập ở các tầng lớp dân cư, kiểm soát tham nhũng và đầu cơ về bất động sản mà Bộ Tài chính nêu là không hợp lý. Bởi người mua nhà cuối cùng mới là người thiệt nhất khi phải chịu nhiều thứ thuế trong quá trình đầu tư chứ không phải người đầu cơ.
|
Bộ Tài chính cho rằng áp dụng thuế nhà ở nhằm kiểm soát thu nhập, tham nhũng và đầu cơ về bất động sản. Ảnh: Lê Quân. |
Theo anh H.L. nguyên nhân của bong bóng bất động sản, người người đổ xô vào đầu tư nhà đất là do thông tin và kế hoạch quy hoạch chưa rõ ràng, ai cũng có thể trở thành nhân viên môi giới, người mua thiếu kiến thức về bất động sản… “Tôi nghĩ khi hiểu rõ về nguyên nhân mới có thể đưa ra giải pháp tốt. Nếu cho rằng thuế có thể giải quyết được vấn đề này thì chỉ khổ người dân”, anh nói.
Trước việc bất hợp lý trong đánh thuế nhà ở, nhiều người kiến nghị chỉ nên đánh thuế vào nhà ở thứ hai, thứ ba trở lên, như vậy mới đạt mục tiêu và không ảnh hưởng nhiều đến đa số người dân, đặc biệt là người lao động nghèo.
Chị Q.N cho rằng không nên đánh thuế nhà ở một cách cào bằng. “Mỗi khu vực đều có đặc điểm riêng, vì vậy, các đối tượng cũng rất đa dạng, có người rất giàu, giàu và thu nhập trung bình. Bộ nên khoanh vùng đối tượng để có chính sách hợp lý hơn chứ không thể giăng lưới tận thu hủy diệt như vậy”, chị nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đề xuất, Bộ Tài chính nên nghiên cứu kỹ trị giá tối thiểu của nhà ở để đánh thuế, bởi mức 700 triệu đồng là quá thấp so với thời giá nhà đất chung hiện nay.
Nguồn Phúc Minh - news.zing.vn