Không chấp nhận bị ép giá, nhiều chủ nhà bỏ trống mặt bằng cho thuê
Anh Nguyễn Vĩnh Phước, chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10 đang cho một doanh nghiệp kinh doanh F&B thuê mặt bằng với giá 35 triệu/tháng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình kinh doanh khó khăn, có tháng doanh nghiệp này đã phải đóng cửa. Biết người thuê đang khó khăn vì ế khách, anh Phước đã chủ động giảm giá thuê xuống còn 20 triệu/tháng. Hiện tại, khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện, tình hình lại khó khăn hơn nên khách thuê muốn anh tiếp tục hỗ trợ giảm giá trong vài tháng tới nhưng anh Phước từ chối.
“Bản thân tôi cũng có cái khó của mình, mặt bằng này là nguồn thu chính để vợ chồng trang trải khoản vay mua nhà trước đó. Mỗi tháng phải đều đặn trả gốc và lãi cho ngân hàng cũng gần 30 triệu nên nếu giảm giá, gia đình không biết làm sao để xoay sở với khoản vay này. Người thuê mặt bằng đã thuê được 2 năm nay, trước khi có dịch, hoạt động kinh doanh rất tốt nên họ không muốn trả mặt bằng nhưng lại muốn chủ nhà giảm giá thuê, áp lực tài chính của gia đình cũng rất lớn chứ không phải có của ăn của để dư dả mà mình ép người ta”, anh Phước tâm sự.
Cùng tình cảnh, ông Tiến chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết dưới tác động của dịch bệnh, ông đã giảm giá thuê gần 30% cho chuỗi cửa hàng bánh mì đã thuê gần 2 năm nay. Tuy nhiên trong đợt này khi khách đề nghị giảm 50% giá thuê thì ông không đồng ý giảm thêm nữa. Doanh nghiệp thuê mặt bằng cho biết nếu ông không hỗ trợ thì họ buộc phải cắt HĐ và trả mặt bằng cho thuê.
“Làn sóng Covid-19 đợt 1 thật sự khiến rất nhiều người kinh doanh điêu đứng vì giãn cách xã hội và tâm lý lo sợ của người tiêu dùng. Nhưng trong đợt bùng phát này, người dân đang dần quen với việc sống chung với dịch, kinh doanh không đến mức khó khăn nhưng do có nhiều mặt bằng chào thuê nên khách hàng thường viện cớ ép giá chủ nhà. Hợp tình hợp lý thì mình xem xét, chứ nếu thấy thị trường khó khăn người mua quay ra ép giá người bán thì tôi thà để trống chứ không muốn cộng tác lâu dài”, ông Tiến bức xúc.
Nhiều chủ nhà chấp nhận bỏ trống mặt bằng chứ không giảm giá thuê cho khách do không chấp nhận tình trạng bị ép giá. Ảnh Phương Uyên
Dù biết có thể chưa tìm được người thuê trong 1-2 tháng tới và phải để trống mặt bằng, không thu nhập nhưng ông Tiến vẫn chấp nhận chứ không muốn cho thuê với mức giá bèo bọt. Bản thân gia đình ông cũng dựa vào việc cho thuê mặt bằng này để trang trải nhiều khoản phí sinh hoạt, nếu tiếp tục giảm thì kinh tế của gia đình sẽ khó khăn hơn.
Kinh doanh khó khăn khiến thị trường nhà phố cho thuê đối mặt với tình cảnh điêu đứng chưa từng có. Làn sóng trả mặt bằng, đóng cửa diễn ra tràn lan trên rất nhiều tuyến đường trung tâm, nơi từng là đất vàng dành cho hoạt động kinh doanh, mua bán. Để giữ chân người thuê cũng như hỗ trợ một phần cho khách, nhiều chủ nhà đã chọn cách hạ giá thuê từ 30-50% trong thời điểm tháng 4, tháng 5/2020. Tuy nhiên với làn sóng Covid-19 lần 2 bùng nổ trong tháng 7, nhiều chủ nhà không còn chấp nhận việc giảm giá thêm.
Tìm hiểu thực tế thị trường cho thấy, xu hướng giảm giá mặt bằng cho thuê hiện nay không nhiều. Cụ thể, khảo sát tại một số tuyến đường lớn tại địa bàn TP.HCM cho thấy, giá chào thuê gần như đứng yên so với thời điểm tháng 5 và không có xu hướng giảm trong tháng 7. Giới chuyên môn nhận định làn sóng Covid-19 lần 2 không gây tác động quá lớn đến tâm lý và nhu cầu thị trường như đợt 1. Người dân đang dần thích ứng với việc sống cùng dịch bệnh nên nhịp sống thị trường không ảnh hưởng lớn.
Theo anh N.T.H, môi giới nhà phố tại quận 3, quá trình thương lượng chi phí mặt bằng cần dựa trên mối quan hệ đối tác giữa chủ mặt bằng và khách thuê. Không ít khách thuê lợi dụng thời điển thị trường khó khăn, mặt bằng chào thuê nhiều nên tìm cách ép giá thuê với chủ nhà dù việc kinh doanh vẫn ổn định. Một trong những cách để giúp cân bằng lợi ích giữa chủ mặt bằng và khách thuê trong thời điểm này là chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Khi đó, chủ mặt bằng sẽ có cơ sở để chia sẻ khó khăn với khách thuê. Tuy nhiên, sau cùng, mỗi doanh nghiệp đều cần tự nỗ lực, có thể bằng cách thay đổi chiến lược kinh doanh để không phụ thuộc quá nhiều vào mặt bằng, hoặc tận dụng mặt bằng hiệu quả hơn.
Nguồn: Phương Uyên