"Phong tỏa" không cho giới đầu cơ tạo bong bóng bất động sản tại 3 đặc khu kinh tế

Từ khi có chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang nơi có các đặc khu đang trở thành thị trường hấp dẫn, thu hút lượng khách đến đầu tư khá lớn. Nhiều nhà đầu tư đã “nhanh chân” chớp lấy cơ hội để đẩy giá đất tại các địa bàn trên “lên trời”..

Một trong những thị trường bất động sản đang khá "hot" là Vân Đồn (Quảng Ninh) với các sản phẩm được giao dịch chủ yếu là đất nền và đất thổ cư tại các vị trí trung tâm. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội bất động sản, tổng lượng giao dịch loại hình sản phẩm này tính trong 5 tháng đầu năm 2018 đã vượt 2.000 giao dịch. Sản phẩm được giao dịch chủ yếu từ các dự án có pháp lý và quy hoạch rõ ràng. 

Nhu cầu mua đất thổ cư của các nhà đầu tư tương đối lớn, nhưng vẫn có nhiều khách hàng và nhà đầu tư chờ đợi chính quyền công bố quy hoạch mới về đặc khu nên còn dè chừng. Đáng chú ý, tại Vân Đồn vẫn có nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực này. 

Còn tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật; lấn, chiếm đất rừng; tự ý phân lô, tách thửa; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến, phát sinh nhiều hệ lụy, bất cập. 

Tình trạng đầu cơ gây sốt đất, tăng giá đột biến để trục lợi diễn biến khó lường, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn và ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể phát triển huyện đảo Phú Quốc, nhất là từ khi có chủ trương thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

NativeAd from Google

Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), do thông tin địa phương chuẩn bị trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nên các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh đã tìm đến giao dịch, thực hiện mua bán, chuyển nhượng đất tràn lan, đẩy giá đất tăng lên đột biến.

Chỉ trong quý I/2018, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 2.253 hồ sơ về đất đai, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017; trong đó, việc giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu diễn ra tại các xã Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Thắng và Vạn Thọ...

"Chúng ta sẽ kiên quyết có biện pháp để người ta không có cơ hội trong các phi vụ về đất đai", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trước QH chiều 4/6, khi trả lời chất vấn về vấn đề quản lý đất đai tại các "đặc khu" dự kiến sẽ được hình thành tới đây.

Trả lời rất nhiều câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội về tình trạng sốt đất tràn lan tại 3 địa điểm trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, quy luật là khi có những kỳ vọng đầu tư hoặc tương lai phát triển, đặc biệt đầu tư hạ tầng… đương nhiên nhiều người sẽ đổ xô vào, khiến thị trường về đất đai và các thị trường đều thay đổi.

"Đấy là quy luật nhưng trên thực tế chúng ta chưa làm được việc là làm sao để phòng ngừa và đưa ra các quyết định thật chuẩn, thay bằng các chỉ thị hành chính", Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận.

Theo ông Hà, cách đây 5 năm, ở Long Thành, địa phương đã ra chỉ thị dừng tất cả các giao dịch đất đai nhưng người dân đã dùng rất nhiều biện pháp để giao dịch ngầm, như ủy quyền cho người mua…

Cho rằng những nội dung trong chỉ thị siết chặt giao dịch đất đai mới đây là đúng đắn nhưng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật, không phù hợp với luật hiện nay.

"Sắp tới đối với các đặc khu, tôi thấy việc Quốc hội ban hành một nghị quyết để quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai khu vực này là cần. Nếu nói rộng hơn, chúng ta phải tính toán trong cơ chế, chính sách đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới để tính toán trước được vấn đề tiên lượng như đại biểu Trí nêu", ông Hà nói.

Vẫn theo Bộ trưởng, thực tế sốt đất là vấn đề đương nhiên nhưng vấn đề chủ yếu, vấn đề nghiêm trọng là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Theo đó, hoạt động này giao dịch ngầm và không đúng pháp luật. Việc quản lý, cơ quan quản lý, năng lực quản lý và tính nhạy cảm của chúng ta trong vấn đề này để kiểm soát và kiểm tra xử lý chưa kịp thời.

Bộ trưởng Hà thông tin thêm, thời điểm này, các địa phương phải tập trung xem lại các hồ sơ đất đai để quản lý được hiện trạng đất đai. "Từ quản lý hiện trạng đất đai, khi chúng ta tính toán đền bù cho người dân thì chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được công bằng và người xứng đáng được đền bù, người đã cống hiến, đóng góp khai hoang miền đất đấy xứng đáng được hưởng. Chúng ta sẽ kiên quyết có biện pháp để người đầu cơ không có cơ hội trong các phi vụ về đất đai này", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Đồng thời, phải bảo đảm trật tự xã hội, không để "cò đất", "xã hội đen" mua bán đất lộng hành trên địa bàn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực quản lý và các ngành nghề được xem là ưu tiên phát triển. Đồng thời quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu. 

theo cafef