TS. Trần Kim Chung chỉ ra 10 dấu hiệu dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản

Theo nhận định của TS.Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế, nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán và vốn kiều hối đang đổ mạnh vào thị trường BĐS.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình BĐS trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới, TS.Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế cho biết, hiện có khoảng 10 luồng tiền khác nhau đang vào BĐS.

10 luồng tiền này gồm: Vốn từ ngân hàng thương mại, vốn từ IPO, vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), vốn doanh nghiệp tự có, kiều hối, thị trường chứng khoán, vốn từ người dân, vốn đầu tư công, vốn từ nhà nước, và các nguồn vốn khác.

Hiện nay có thể thấy nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán và vốn kiều hối đang đổ mạnh vào thị trường BĐS. Chính nguồn vốn tăng nhanh nên giá BĐS cũng tăng mạnh mẽ. "Tôi lấy ví dụ, năm 2017 dự án MB Center Point Mỹ Đình chỉ có giá khoảng 37 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá đã tăng lên 45 triệu đồng/m2. Chỉ trong vòng hơn 1 năm dự án này đã tăng lên 8 giá", ông Chung nhấn mạnh.

NativeAd from Google

Giá BĐS tăng nhanh chóng vậy thị trường đã có xảy ra bong bóng hay chưa? - Trả lời câu hỏi này ông Chung cho biết hiện nay mỗi ngày mở báo ra đọc thì 1/3 lượng thông tin của các báo là về BĐS. Ông Chung cũng nhấn mạnh: "Hiện nay có 10 dấu hiện của bong bóng BĐS thì thị trường đã đạt đến 8 yếu tố".

"10 dấu hiệu của bong bóng BĐS gồm: Giao dịch tăng, giá tăng, số lượng công trình khởi công tăng, số lượng địa bàn triển khai dự án tăng, số lượng doanh nghiệp BĐS mới tăng, quy mô 1 dự án tăng, tổng vốn đầu tư của 1 dự án tăng, luồng tiền vào dự án tăng, vốn đầu tư công - vốn nhà nước tăng  và truyền thông quan tâm nhiều hơn", ông Chung cho biết.

Theo ông Chung, hiện nay trong số 10 dấu hiệu này thì thị trường BĐS đã có tới 8 dấu hiệu chỉ còn duy nhất hai nguồn vốn là vốn đầu tư công và vốn nhà nước đang bị kéo ngược khỏi thị trường bất động sản.

Đánh giá về thị trường BĐS năm nay, ông Chung cho biết, năm 2018 nằm ở cuối chu kỳ 10 năm 1 lần thị trường BĐS quay vòng sinh lão bệnh tử gồm phục hồi - tăng trưởng - sốt nóng - khủng hoảng. Chúng ta có thể thấy, giai đoạn 2011-2013 thị trường khủng hoảng, 2014 phục hồi, 2016-2017 tăng trưởng, 2018 - sốt nóng và 2019- khủng hoảng

"Nếu bỏ 1 đồng vào thị trường BĐS thì có 1,5-2 đồng. Nên với năm 2018 truyền thống cho thấy không làm gì BĐS cũng tăng nhưng năm 2019 thì có làm gì thị trường vẫn có nguy cơ khủng hoảng. Vì vậy, hiện tại là thời điểm cực ky nhạy cảm của thị trường bất động sản".

theo cafef